Dung dịch sát khuẩn Betadine: Sử dụng đúng cách và hiệu quả

Bài viết của Dược sĩ Hoàng Trà Linh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Hiện nay trên thị trường có 3 loại dung dịch sát khuẩn Betadine® được sử dụng rộng rãi. Mỗi sản phẩm được thiết kế với bao bì và màu sắc khác nhau, do vậy cần biết cách phân biệt để để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.

1. Giới thiệu về dung dịch sát khuẩn Betadine®

Betadine® là thương hiệu chuyên về các sản phẩm sát khuẩn được sử dụng phổ biến hiện nay. Thành phần chính của các sản phẩm Betadine® là povidone-iodine – 1 phức hợp của iod với polyvinylpyrrolidon. Khi sử dụng iod tự do sẽ được giải phóng dần dần đem lại tác dụng diệt vi khuẩn, virus, nấm, bào tử, nấm men và đơn bào. So với các chế phẩm chứa iod tự do, tác dụng diệt khuẩn của povidone-iodine vẫn đảm bảo nhưng lại ít độc hơn, do đó được ưu tiên sử dụng.

Bên cạnh đó, với thành phần không chứa cồn hoặc oxy già (Hydro peoxit, H2O2), Betadine® khi sử dụng còn có ưu điểm không gây cảm giác châm chích trên da và niêm mạc.


Betadine® có tác dụng sát khuẩn
Betadine® có tác dụng sát khuẩn

Một số lưu ý khi sử dụng các sản phẩm có chứa povidone-iodine như sau:

  • Mặc dù ít tác dụng phụ nhưng Betadine xanh/ Betadine vàng vẫn có thể gây kích ứng tại chỗ hoặc phản ứng dị ứng toàn thân. Cần ngưng sử dụng khi có các biểu hiện như ngứa, ban đỏ, vết bỏng rộp nhỏ tại vùng da niêm mạc có dùng thuốc hoặc mày đay, phù mạch, khó thở…
  • Bệnh nhân có các bệnh lý hoặc bất thường về tuyến giáp: Cần xin ý kiến bác sĩ và dược sĩ trước khi sử dụng Betadine vàng hay xanh, đặc biệt khi cần dùng sát khuẩn trên diện rộng và kéo dài do nguy cơ cơ thể hấp thụ 1 lượng lớn Iod.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Đây là đối tượng có da và niêm mạc mỏng, các chất sát khuẩn này có thể ngấm qua da tự nhiên dễ dàng hơn và cũng dễ nuốt vào bụng khi dùng sản phẩm Betadine súc họng. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng để tránh nguy cơ cao về phát triển tăng năng tuyến giáp khi dùng nồng độ cao và thời gian dài.
  • Ngoài ra, không nên tự ý sử dụng thuốc Betadine thường xuyên liên tục, kéo dài và cho các tổn thương rộng, sâu, phức tạp. Với những trường hợp kể trên, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám.

2. Phân biệt các dung dịch sát khuẩn Betadine®

Loại chế phẩm Betadine®Thành phầnMàu sắc bao bì
Dung dịch sát trùng âm đạo Betadine Vaginal Douche 10%Povidon-Iod 10% (kl/tt)Fleuroma bouquest 477, Nonoxynol, nước tinh khiếtMàu xanh ngọc
Dung dịch súc họng và súc miệng Betadine Gargle and Mouthwash 1%Povidon-Iod 1% (kl/tt)Glycerol, Menthol, Methyl Salicylate, Saccharin Sodium, Ethanol 96%, nước tinh khiếtMàu xanh rêu
Dung dịch sát khuẩn Betadine Antiseptic Solution 10%Povidon-Iod 10% (kl/tt)Glycerol, Nonoxynol 9, Disodium hydrogen phosphate (anhydrous), Citric acid (anhydrous), Sodium hydroxide, Potassium iodate, nước tinh khiếtMàu vàng

Hiện nay trên thị trường có 3 loại dung dịch sát khuẩn Betadine® được sử dụng rộng rãi bao gồm: Dung dịch sát trùng âm đạo Betadine Vaginal Douche 10% màu xanh ngọc (Betadine phụ khoa), dung dịch Betadine súc họng và súc miệng Betadine Gargle and Mouthwash 1% màu xanh rêu và dung dịch sát khuẩn Betadine Antiseptic Solution 10% màu vàng. Mỗi sản phẩm được thiết kế với bao bì và màu sắc khác nhau để người dùng tránh nhầm lẫn khi sử dụng.

Về thành phần chính, các dung dịch Betadine® đều chứa povidone-iodine là chất có tác dụng diệt khuẩn phổ rộng. Tuy nhiên, điểm khác biệt về thành phần của các chế phẩm này ở 2 điểm:

  • Nồng độ povidone-iodine trong mỗi dung dịch là khác nhau: Với dung dịch Betadine súc họng, nồng độ của povidone-iodine là 1%, trong khi 2 dung dịch sát khuẩn và dung dịch Betadine phụ khoa nồng độ thành phần chính trong chế phẩm là 10%.

Ngoài thành phần chính là povidone-iodine, các thành phần khác và tá dược trong mỗi dung dịch là khác nhau để phù hợp với mục đích sử dụng của từng loại sản phẩm.

Chính vì có sự khác biệt giữa các chế phẩm cùng tên gọi Betadine và thành phần chính Povidon-Iod, trước khi sử dụng cần kiểm tra chính xác loại Betadine có phù hợp với mục đích sử dụng hay không. Việc sử dụng thay thế các loại Betadine với nhau không được khuyến cáo và có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn và hiệu quả cho người sử dụng.

2.1 Dung dịch sát trùng âm đạo Betadine Vaginal Douche 10%

Dung dịch Betadine Vaginal Douche 10% được dùng để vệ sinh ngoài âm hộ hoặc để thụt rửa âm đạo.

  • Với mục đích dùng để vệ sinh ngoài, Betadine phụ khoa có thể pha loãng theo tỷ lệ 1 nắp chai (15ml) với 500ml nước sạch để ngâm rửa vùng kín.
  • Với mục đích dùng để thụt rửa âm đạo, cần sử dụng kèm chai vắt do đó tốt nhất cần có chỉ định của bác sĩ và nên do nhân viên y tế thực hiện.

2.2 Dung dịch súc họng và súc miệng Betadine Gargle and Mouthwash 1%

Dung dịch Betadine Gargle and Mouthwash 1% có thể dùng trực tiếp không pha loãng hoặc pha loãng đến 2 phần nước. 1 nắp chai tương đương với 15ml. Sử dụng 1 lần khoảng 20 – 30ml dung dịch, tương ứng với 1 – 2 nắp chai.


Dung dịch súc họng và súc miệng Betadine Gargle and Mouthwash 1%
Dung dịch súc họng và súc miệng Betadine Gargle and Mouthwash 1%
  • Với mục đích dùng để dự phòng, súc miệng hoặc họng trong 30 giây, dùng 4 lần một ngày.
  • Với mục đích dùng để điều trị khi có viêm nhiễm hay tổn thương, súc miệng hoặc họng trong 2 phút, dùng 4 lần một ngày, đặc biệt sau khi ăn.
  • Thời gian sử dụng thông thường (trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ) khoảng 14 ngày.

2.3 Dung dịch sát khuẩn Betadine Antiseptic Solution 10%

Dung dịch Betadine Antiseptic Solution 10% (Betadine vàng) có thể dùng trực tiếp không pha loãng hoặc pha loãng để súc hoặc rửa.

  • Với mục đích dùng để sát khuẩn các vết thương trên da, bôi vùng da bị tổn thương, nên bôi vùng rộng xung quanh tổn thương từ 3-5cm. Sau khi khô lại sẽ tạo thành 1 lớp phim thông khí, rất dễ rửa sạch bằng nước. Có thể bôi nhiều lần trong ngày.
  • Với mục đích dùng để diệt khuẩn tay, nếu vệ sinh tay dùng 3ml bôi thuốc trong 1 phút, nếu tiệt khuẩn để phẫu thuật thì dùng 2 x 5ml bôi thuốc trong 5 phút.
  • Với mục đích dùng để tiệt khuẩn da:
  • Với vùng da có ít tuyến bã nhờn thì bôi dung dịch ít nhất trong 1 phút;
  • Với vùng da có nhiều tuyến bã nhờn thì cần bôi thuốc ít nhất 10 phút;
  • Để tiệt khuẩn da trước phẫu thuật, tránh tạo các nơi đọng dung dịch thuốc dưới cơ thể người bệnh (vì có thể kích ứng da).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *